Saturday, May 5, 2012

Facebook và giấc mơ độc chiếm

Trong khi các mạng xã hội trong nước đua nhau với các thành tích về lượng người dùng, số tiền kiếm được và độ phủ thương hiệu, Facebook vẫn âm thầm chinh phục người dùng và biến Facebook trở thành một thói quen khó bỏ trong cuộc sống.

Chúng ta đang thấy sự trỗi dậy mãnh liệt của Facebook trên nền ứng dụng điện thoại, đây cũng là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới – một kỷ nguyên toàn cầu bị “Facebook hóa”.

Khởi điểm chậm chạp nhưng cẩn thận

Có lẽ từ rất lâu, sau khi chán chê với ngôi vị quán quân của Mạng xã hội trong lòng người dùng toàn thế giới, Facebook nhận ra mình phải thay đổi và bắt đầu thôn tính qua một nền tảng mới, khác web: ứng dụng Facebook trên thiết bị di động.

Mark Zuckerberg, CEO trẻ tài năng của Facebook từng phát biểu : “Facebook sẽ là nơi đầu tiên người ta tìm đến khi họ thức giấc mỗi sáng và là thứ cuối cùng họ phải tiếp cận trước khi đi ngủ. Điều phải học trong kinh doanh đầu tư là nếu có ai đó nói về một thứ không hiện thực thì bạn đừng nói họ điên” (Who is the real Mark Zuckerberg – BBC.co.uk).

Nếu xét thật kỹ câu nói này, ta có thể thấy tham vọng của Facebook không dừng lại chỉ là một mạng xã hội sử dụng trên web thông thường, mà còn phải tiếp cận với người dùng ở mọi nơi khác. Và chỉ có điện thoại – thiết bị di động duy nhất khiến ta khó rời nửa bước, ngay cả khi vừa thức dậy hay chuẩn bị ngủ, sẽ trở thành mục tiêu mới của Facebook.


Phát súng đầu tiên cho cuộc chiến đường dài này là việc Facebook mua lại Snaptu vào tháng 3 năm 2011. Khi đó, Snaptu được định giá khoảng 60 triệu USD – 70 triệu USD, có một số nguồn tin khác cung cấp cho Techcrunch biết có thể con số định giá thấp hơn, khoảng 40 triệu USD. Trước khi sáp nhập, Snaptu được hầu hết người dùng biết đến là một ứng dụng truy cập các ứng dụng MXH khác như Facebook, Twitter,… chạy trên nền tảng Java. Phiên bản trên điện thoại của Facebook lúc đó vẫn còn thô sơ, tải chậm và khó dùng. Sau khi thương vụ thành công, Snaptu trở thành ứng dụng truy cập Facebook dành cho các dòng điện thoại phổ thông, có các tính năng đơn giản đủ làm hài lòng người dùng : cập nhật trang thái, chụp và đăng tải hình ảnh,…

Nhiều người hoài nghi đến đội ngũ kỹ thuật của Facebook trong việc phát triển ứng dụng điện thoại. Một số người cho rằng đây là điểm yếu chết người của Facebook, vì vậy phải nhanh tay thâu tóm những ứng dụng đang được người dùng ưa chuộng, vừa tiết kiệm thời gian xây dựng và hoàn thiện ứng dụng, vừa tận dụng nguồn người dùng có sẵn của các công ty đó. Những hoài nghi ngày càng lớn, đặc biệt trở thành câu hỏi lớn nhất của cộng đồng công nghệ khi Facebook tuyên bố mua lại Instagram với giá trị 1 tỷ USD. Có lẽ, Facebook đang run sợ chăng ?

Nhu cầu hay vấn đề ?


Câu hỏi lớn là : Việc Facebook mua liên tục những công ty như vậy nhằm để: Giải quyết nhu cầu của người dùng Facebook hiện tại? Hay đó là vấn đề lớn về kỹ thuật mà Facebook chưa giải quyết được ?

Nếu là một tín đồ của Facebook, bạn sẽ nhận ra được rất nhiều sự thay đổi của Facebook trong thời gian gần đây, từ website cho đến ứng dụng điện thoại. Tất cả sự thay đổi đó, phục vụ vào mục đích mang đến trải nghiệm tuyệt nhất cho người dùng trên… điện thoại.


Timeline? Bạn không thích ư? Tôi cũng không. Nhưng không thể phủ nhận một điều, Timeline của Facebook hiển thị trên các dòng smartphone quá xuất sắc và quá đẹp, giống như Timeline được sinh ra chỉ để dành sử dụng trên điện thoại.

Bạn muốn tìm kiếm những trạng thái cũ kỹ nhiều năm? Và mỗi lần đợi chờ nó lại tải web thật lâu và khi thông tin được hiển thị ra, bạn chỉ muốn tắt nó đi vì quá rắc rối? Chỉ có trên điện thoại, nội dung thông tin được hiển thị và có sự sắp xếp logic nhất.

Người dùng Android hẳn nhiên được sự ưu ái rất nhiều từ Facebook. Trong đó, các chức năng chụp ảnh (Camera), tin nhắn (Messenger), ứng dụng và game (Apps & Game), nội dung giải trí số (Music & Video), Album ảnh đều được hiển thị ra bên ngoài Menu chính, như một chức năng thông dụng trong điện thoại của bạn. Khi bạn nhận được notification từ Facebook, hệ thống tự động thông báo ra điện thoại của bạn như một tin nhắn hay một email vừa đến.

Các tính năng khác như hội nhóm (Group), ghi chú (Note),.. cũng được tích hợp đầy đủ tại ứng dụng Facebook. Không những vậy, người dùng hiện nay còn có thể tùy chỉnh thiết lập chế độ riêng tư, thiết lập tài khoản ngay tại ứng dụng mà không cần phải sử dụng web. Khi cần tùy chỉnh thiết lập chế độ bảo mật, người dùng mới phải sử dụng phiên bản web.

So với Facebook phiên bản wapsite và ứng dụng Facebook trên điện thoại trước đây, tất cả đã thay đổi đáng kể. Gói gọn thời gian thay đổi ấy, chỉ vừa tròn 1 năm, một quãng thời gian cho những bước tiến thần tốc. Trong khi các mạng xã hội khác đang đau đầu với việc phát triển người dùng trên phiên bản web, Facebook đã và đang thực hiện cuộc cách mạng chinh phục người dùng trên thiết bị di động, biến Facebook trở thành một thói quen khó bỏ.

Việc Facebook mua lại Instagram, đó không phải là câu chuyện để giải quyết bài toán kỹ thuật. Facebook còn có thể có những kỹ sư tuyệt vời hơn thế, nhưng trên hết, đây là một chiến lược nhằm phục vụ nhu cầu của người dùng. Trong tương lai, Facebook sẽ còn mua bán sáp nhập nhiều công ty phát triển ứng dụng điện thoại khác, đặc biệt là với các công ty có sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng và làm thỏa mãn họ.

Kết


Điều gắn kết giữa con người và thời đại số chính là thiết bị di động, quan trọng hơn hết là điện thoại di động. Sự phát triển của smartphone, hạ tầng mạng đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều ứng dụng tuyệt vời và hơn thế nữa, trong đó có Facebook.


Facebook không làm một cái gì đó thật lạ, hay thật lớn lao hay bùng nổ, Facebook chỉ đơn giản theo dõi hành vi và thói quen, để rồi lồng ghép sản phẩm của mình vào thói quen giữa cuộc sống thường nhật, để rồi người dùng “tự nguyện” dính chặt với thói quen khó bỏ đó.

(Theo Action/vietnamnet)

No comments:

Post a Comment

Popular Posts