Friday, March 23, 2012

Chiến lược cạnh tranh trong SEO


Nhiều người trong chúng ta vẫn ngộ nhận rằng một chiến dịch SEO thành công là một chiến dịch có nhiều từ khóa lên top Google, vị trí càng cao càng tốt. Tuy nhiên, điều đó không thể gọi là thành công hoàn toàn được. Còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của những chiến dịch SEO, mà trong đó lợi thế về cạnh tranh có một vai trò vô cùng quan trọng. Vậy lợi thế cạnh tranh trong SEO là gì ? và bạn có thể tận dụng các lợi thế đó như thế nào để xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh hiệu quả? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên.

Chiến lược 1 : Chiến lược cạnh tranh thứ hạng :

Dù vô tình hay hữu ý, đa số mọi người làm SEO đều dùng thứ hạng của từ khóa để vượt lên trên đối thủ. Tuy nhiên nó lại vướng phải một nguyên tắc tối kỵ trong chiến lược cạnh tranh : “luôn cho mình là số một”. Không phải một, hai, ba… mà là rất rất nhiều người cho rằng thứ hạng càng cao, thì càng có lợi thế so với đối thủ. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng nếu tập trung vào chiến lược này sẽ rất dễ dẫn đến thất bại nhất là đối với những từ khóa cạnh tranh. Vì sao ?

Thứ nhất, bạn và đối thủ của bạn cùng chạy theo một mục tiêu là đạt vị trí cao nhất để tạo lợi thế cạnh tranh. Việc này vô tình làm bạn và đối thủ gần như là một. Không có gì khác biệt. Và bạn có chắc sẽ thắng được đối thủ về thứ hạng, trong một khoảng thời gian và một chi phí đã định sẳn ?

Nguyên nhân thứ hai càng khẳng định sự thất bại của bạn khi dùng chiến lược này một cách không chắc chắn. Có nghĩa là việc cạnh tranh về thứ hạng là rất khó. Có cả một thế giới gồm hàng trăm ngàn đối thủ sẳn sàng đạp bạn xuống, ngay khi bạn mắc sai lầm. Do đó nếu cảm thấy rằng không thể cạnh tranh lại với đối thủ về thứ hạng từ khóa, một lời khuyên tốt là bạn nên suy nghĩ về những chiến lược cạnh tranh khác.

Thứ ba, cạnh tranh về thứ hạng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu bạn không kiểm soát được tính cách hiếu chiến hay mềm yếu của bạn. Tính hiếu chiến sẽ lôi kéo bạn làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu, bất chấp việc làm đó tốt hay xấu cho website và thương hiệu của bạn. Còn tính mềm yếu sẽ làm phai nhạt đi tính sáng tạo và sự quyết đoán của bạn. Bạn làm theo những lời nói của người khác mà không hề suy nghĩ. Đến khi gặp thất bại, bạn đâm ra cáu gắt, tức giận nóng nảy và… tuyệt vọng. Do đó để sử dụng chiến lược cạnh tranh thứ hạng, bạn cần hết sức bình tĩnh. Dù thắng hay thua, cũng chỉ là tạm thời, tương đối, thua keo này ta bày keo khác. Một người lạc quan và kiên nhẫn sẽ cảm thấy thú vị khi dùng thứ hạng để làm chiến lược cạnh tranh.

Chiến lược 2 : Chiến lược cạnh tranh từ khóa

Đây là một chiến lược thông minh và mở rộng tầm ảnh hưởng của website bạn trên search engine. Có hai loại từ khóa : từ khóa cạnh tranh(CT) và từ khóa ít cạnh tranh(ICT). Từ khóa CT có số lượng hiển thị và số lượng click nhiều hơn so với từ khóa ICT. Điều này cũng có nghĩa là từ khóa CTcó tỉ lệ chuyển đổi tốt hơn từ khóa ICT (so sánh giữa 2 loại từ khóa tương ứng trong trường hợp cụ thể), nhưng nếu nói về số lượng từ khóa thì từ khóa ICT lại hơn hẳn từ khóa CT. Do đó so về tổng quan, từ khóa ICT lại mang về nhiều lượng truy cập và tỉ lệ chuyển đổi hơn từ khóa CT.

Đây là lúc thích hợp để bạn sử dụng chiến lược cạnh tranh thứ hạng cho từ khóa ICT. Nói như vậy nghĩa là ở chiến lược thứ hai này, bạn vừa kết hợp giữa chiến lược cạnh tranh từ khóa và chiến lược cạnh tranh về thứ hạng. Tại sao bạn nên dùng chiến lược thứ hai này ?

Một, số lượng từ khóa ICT của bạn đạt top nhiều sẽ rất có lợi cho tỉ lệ chuyển đổi, độ tin cậy của website, thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh….

Hai, rất ít đối thủ cạnh tranh với bạn trong những từ khóa ngóc ngách này, do đó bạn dễ dàng đạt top về thứ hạng.

Ba, thời gian thực hiện nhanh và chi phí thấp hơn so với việc tập trung vào các từ khóa CT.

Chiến lược 3: Chiến lượt cạnh tranh snippet
Snippet được cho là sự hiển thị của kết quả tìm kiếm trên search engine. Đó là snippet title, snippet description, snippet url hiển thị, rich snippet, và một vài thứ mô tả liên quan khác.

Đối thủ có thể thắng bạn về thứ hạng nhưng họ có thể thua bạn về sự hiển thị trên kết quả tìm kiếm. Thực tế đã chứng minh rằng : mô tả trên search engine càng đẹp, càng rõ ràng, càng thu hút được nhiều lượng truy cập, và tất nhiên càng có nhiều khách hàng tiềm năng chú ý đến bạn. Ở chiến lược này ngoài một số kỹ thuật để tạo cho kết quả hiển thị đẹp hơn trên search engine với rich snippet, việc sáng tạo trong mô tả title, description và URL chiếm một phần không nhỏ trong sự thành công của chiến dịch SEO. Ba tiêu chỉ trong chiến lược snippet là : rõ ràng, hấp dẫn, và chính xác. Một lời khuyên hữu ích là hãy dùng snippet cho hầu hết các URL trên website của bạn. Như vậy thì thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của bạn càng dễ dàng được nhận diện bởi khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều website vẫn còn nặng về tâm lý xem trọng thứ hạng của nhiều từ khóa trên cùng một URL. Sự bắt chước về sự hiển thị trên search engine vô tình che lắp đi sự nổi bật của họ. Đây là điều mà chúng ta nên rút kinh nghiệm.


Chiến lược 4: Chiến lược cạnh tranh giao diện website

Thật may mắn là Google đã phát triển chức năng cho xem trước giao diện trên các kết quả hiển thị trước khi truy cập vào website. Nhờ chức năng này, khách truy cập có một cái nhìn sơ lược về website họ sắp truy cập vào.
 


Người sử dụng Google bây giờ rất thông minh. Họ sẽ lựa chọn. Website nào gây nhiều ấn tượng tốt nhất đối với họ, website đó sẽ được truy cập vào. Bạn cũng biết là độ truy cập có ý nghĩa rất lớn không những cho SEO mà còn cho các chương trình marketing online khác của doanh nghiệp.

Ở chiến lược này, website của bạn phải đảm bảo các tiêu chí sau đây :

- Giao diện và cấu trúc website đẹp, rõ ràng.
- Website truy cập nhanh và tạo sự dễ dàng với người sử dụng.
- Sử dụng màu sắc và một số đặc trưng khác để tạo điểm nhấn cho website.
- Dung lượng giao diện website nhỏ gọn để dễ dàng load trên chức năng search review.
- ….

Chiến lược về giao diện là một chiến lược hết sức lợi hại. Nó có thể đánh bật các đối thủ ngay cả khi bạn đứng ở cuối bảng sếp hạng.

Chiến lược 5 : Chiến lược cạnh tranh nội dung

Không phải mặc nhiên mà nhiều người nói rằng CONTENT IS KING hay NỘI DUNG LÀ VUA. Một website có nội dung tốt không những giúp bạn bán hàng nhanh chóng mà còn nâng cao thương hiệu cho doanh nghiệp. Ở đây có hai điều bạn nên lưu tâm : một là nội dung phải phản ánh rõ ràng, chính xác và hấp dẫn. Hai là nội dung cần có sự khác biệt, duy nhất, tránh sự trùng lặp quá nhiều. Không khó để hiểu tại sao Google nghĩ ra thuật toán Panda dùng để gạt đi những website chuyên copy nội dung một cách thái quá từ các website khác.

Chiến lược cạnh tranh nội dung có thể được coi là trái tim của SEO. Đặc biệt với những website học thuật, báo chí, marketing… Tuy nhiên đối với một số website ít được cập nhật, thay đổi nội dung chiến lược này khó có thể phát huy được tác dụng. Để giải quyết vấn đề trên, người ta có thể cạnh tranh nội dung ở những kênh khác liên quan, ví dụ : bạn có thể xây một trang blog liên quan đến ngành nghề công ty. Tập trung xây dựng nội dung cho blog này để quảng bá thương thiệu cho website chính.

Hiệu quả của chiến lược cạnh tranh nội dung là vô cùng lớn. Tuy nhiên để thực hiện được chiến lược này đòi hỏi có các yếu tố về nhân sự, tài chính, sự sáng tạo, độ tươi mới của nội dung v.v… Và một điều đặc biệt là nó ngốn của bạn rất nhiều, rất nhiều thời gian. Đồng nghĩa bạn có thể mất đi rất nhiều tiền, vì thời gian là vàng bạc. Mặc dù vậy, nếu có một chiến lược cạnh tranh nội dung tốt, sự thành công là một điều chắc chắn sẽ đến với bạn.

Chiến lược 6: Chiến lược cạnh tranh offpage

Offpage là cách người ta tìm lượng truy cho website dựa vào những yếu tố bên ngoài site. Ví dụ : backlink từ website khác, mạng xã hội, video, quảng cáo thương hiệu trên báo chí, ti vi, tờ rời, và các hoạt động offline khác… Mặc dù trong thời gian gần đây Google đã giảm tỷ lệ ảnh hưởng của backlink trong SEO nhưng tác dụng của nó hiện vẫn rất lớn. Biết được đặc điểm này rất nhiều người làm SEO đã dựa vào backlink như một thế mạnh của mình. Có hai điều chú ý khi bạn lấy backlink : đó là số lượng và chất lượng, hai điều này tạo ra độ phổ biến liên kết cho website của bạn. Bạn không chỉ lấy backlink từ các trang bên ngoài (external link) mà còn có backlink từ các trang liên quan bên trong website(internal link). Việc dùng backlink chất lượng cũng có thể nâng cao độ tin cậy của website, còn backlink cùng chủ đề thì nâng cao độ liên quan. Tuy nhiên, một vấn đề mà hầu hết người làm SEO gặp phải là việc lấy được các backlink chất lượng không phải chuyện dễ dàng. Nhiều người nghĩ rằng vậy thì lấy số lượng bù chất lượng backlink, do đó họ lấy rất nhiều backlink từ nhiều nguồn khác nhau, các trang liên quan hoặc không liên quan họ đều làm backlink. Nhưng với chiến thuật này họ không thể tạo ra được sự khác biệt, đồng thời cách làm này lại rất dễ dính vào “spam”. Nếu không cẩn thận thì hậu quả sẽ rất khó lường, nó có thể kìm hãm thứ hạng của website hoặc tệ hơn nữa thứ hạng sẽ bị rớt hoặc mất tích trên search engine.

Điều mấu chốt của việc cạnh tranh backlink chính là bạn phải có những backlink thật sự chất lượng, như backlink từ những site có domain .gov, .edu, …, những site có PR cao, độ trust và độ liên quan cao.

Cũng nằm trong vấn đề cạnh tranh backlink còn có vấn đề cạnh tranh hệ thống. Hệ thống ở đây bao gồm hệ thống website và tên miền. Nhiều người xây dựng rất nhiều website liên quan và lấy các tên miền rất đẹp để làm lợi thế cạnh tranh. Việc xây dựng hệ thống có lợi cho bạn về nhiều mặt :

- Có nguồn backlink lớn để trỏ về website làm SEO.
- Có nhiều từ khóa ít cạnh tranh lên top tạo lợi thế cạnh tranh về từ khóa ở các website liên quan.
- Độ rộng thương hiệu được phát triển trên môi trường online.
- Chủ động về nguồn lực backlink vì không phải phụ thuộc vào nguồn backlink lấy ngoài hệ thống.
- Nếu có tên miền đẹp, website tốt, bạn vẫn có thể bán hoặc cho thuê.
- ….

Chiến lược cạnh tranh offpage sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến cạnh tranh mạng xã hội. Như các bạn cũng biết, mạng xã hội trực tuyến ngày càng có nhiều người sử dụng. Trong đó có 3 mạng đáng chú ý là Facebook, Twitter và Google Plus. Đã có rất nhiều thành công của doanh nghiệp dựa vào mạng xã hội. Ví dụ như 2 câu chuyện sau đây :

Câu chuyện 1: Thành công của Dunkin' Donuts trên Twitter

Thương hiệu bánh rán và cà phê thế giới Dunkin' Donuts liên tục khuấy động trang Twitter của hãng bằng các cuộc thi nho nhỏ hết sức vui nhộn với những phần thưởng nho nhỏ và ý nghĩa. Điều này khiến cho khách hàng của Dunkin' Donuts rất thích thú và thường xuyên ghé thăm trang Twitter của họ, hành động này cũng thu hút được rất nhiều khách hàng tiềm năng. Kinh nghiệm từ Dunkin' Donuts cho chúng ta thấy rằng đừng đăng tải những thông tin quảng bá khô khan và tẻ nhạt về thương hiệu của mình trên trang Twitter. Hãy tổ chức thật nhiều những cuộc thi nho nhỏ trên tinh thần "vui là chính" cùng với những phần quà ý nghĩa để ai cũng có thể chiến thắng.




Câu chuyện 2 : Thành công của Oreo trên Facebook

Oreo là một thương hiệu toàn cầu với hơn 19 triệu fans và họ vẫn đang cố gắng tạo ra những thứ mang tính cá nhân dành cho fans. Họ thường xuyên tiến hành những cuộc thi mang tính vui vẻ, những bức ảnh sáng tạo và links. Họ còn có “ Fan của tuần trên thế giới”, nó lựa chọn một fan trong số các bức ảnh mà fan upload lên fan page để đăng lên profile picture.

Bài học: Hãy chia sẻ nhiều bức ảnh và đề nghị fans của bạn chia sẻ ảnh của họ. Hệ thống ảnh của Facebook vẫn là tính năng lan truyền nhất trong nền tảng của Facebook.




Trong khi đó mạng xã hội Google plus cũng không đứng ngoài cuộc khi họ quyết định rằng các chia sẽ trên Google Plus sẽ hiển thị trong kết quả tìm kiếm search. Một quyết định táo bạo nhưng cũng đầy tính toán của Google.


Có thể nói rằng, chiến lược cạnh tranh offpage là vô cùng rộng lớn và đa dạng. Trong một bài viết và thời gian hạn định không thể nào kể hết được những lợi thế mà offpage có thể mang lại cho doanh nghiệp. Điều này giải thích tại sao có rất nhiều doanh nghiệp không cần đến thứ hạng hiển thị các từ khóa trên Google nhưng việc kinh doanh của họ vẫn rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề này đã vượt quá độ bao phủ của bài viết là chỉ tập trung vào vấn đề tối ưu hóa website trên công cụ tìm kiếm. Để có được một chiến lược offpage tốt đòi hỏi bạn phải có một tầm nhìn rộng không chỉ trong SEO nói riêng mà còn cả trong vấn đề marketing nói chung. Sự sáng tạo trong chiến lược cạnh tranh offpage có thể sẽ là chìa khóa mang lại sự thành công trong chiến dịch SEO của doanh nghiệp bạn.

Chiến lược 7 : Chiến lược cạnh tranh nhân sự

Nhân sự có thể là lời giải cho tất cả các bài toán. Một công ty chỉ tốt khi có một đội ngũ nhân sự tốt. SEO cũng vậy, kiếm được một người tài giỏi trong việc nâng hạng các từ khóa, hoặc lên kế hoạch xây dựng chiến lược cạnh tranh trong SEO thật sự sẽ giúp ích cho doanh nghiệp bạn rất nhiều. Hãy lôi kéo các chuyên gia SEO về phía của bạn. Họ có thể là nhân tố quyết định giúp bạn vượt qua đối thủ. Mặc dù vậy, bạn phải biết cách tổ chức, phân công và quản trị nhân sự thật tốt, vì những người giỏi thường có bản ngã rất lớn. Họ có thể giúp bạn nhưng cũng có thể quay ngược đối đầu với bạn. Trong những trường hợp cụ thể, hãy cân bằng lợi ích giữa bạn và những người đang làm việc cho bạn. Ở chiến lược này đòi hỏi bạn cần có một số lượng tài chính nhất định, vì cách nhanh nhất để thu hút người tài là dùng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên đó chỉ là một yếu tố cần, yếu tố quan trọng hơn là bạn hãy tạo cho nhân sự của mình niềm đam mê, sự yêu thích và niềm vui trong công việc của họ. Bạn hãy tham gia các diễn đàn về SEO, theo dõi, đánh giá các nhận xét của các chuyên gia SEO để tìm kiếm người có thể tin cậy để bàn giao công việc SEO đầy tính chất cạnh tranh này.

Nếu bạn có đọc qua tác phẩm Tam Quốc Chí của La Quán Trung, bạn có thể thấy Lưu Bị đã nhọc công 3 lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng về phò tá cho mình. Ngay từ xa xưa, các nhà lãnh đạo đã rất chú trọng trong việc xây dựng nhân sự. Đó chính là bài học kinh nghiệm cho các lớp thể hệ trẻ chúng ta sau này. Nếu nhìn xa hơn, bạn sẽ ngạc nhiên về điều này : cuộc chiến cạnh tranh trong SEO thật chất là cuộc chiến cạnh tranh về nhân sự.

Chiến lược 8: Chiến lược cạnh tranh chiến lược

Có lẽ không ở đâu có cái khái niệm chiến lược cạnh tranh chiến lược này cả. Đó hoàn toàn là quan điểm riêng của giaiphaplienket.com . Chúng ta đều biết rằng để tạo ra lơi thế cạnh tranh bạn cần có một điểm gì khác so với đối thủ, và điểm đó mang lại lợi thế cho bạn. Với các chiến lược vừa kể trên bạn có thể chọn một hoặc kết hợp một vài chiến lược lại vào nhau để tạo ra những điểm đặc trưng và lợi thế cạnh tranh trong SEO. Theo chúng tôi, việc vạch ra các chiến lược để thực hiện cũng chính là bản sắc riêng của bạn. Do đó, khái niệm chiến lược cạnh tranh chiến lược đã ra đời. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là làm sao để thực hiện khái niệm chiến lược có vẻ rất trừu tượng này?

Với 7 chiến lược vừa kể phía trên, nếu đối thủ biết được họ có thể bắt chước theo bạn rồi dần dần hòa nhập vào với bạn và đánh mất đi ưu thế cạnh tranh của bạn. Từ đó việc áp dụng từng chiến lược hoặc một nhóm chiến lược sẽ không còn hiệu quả nữa. Đến lúc này, bạn có thể sử dụng đến tuyệt chiêu chiến lược cạnh tranh chiến lược để bảo vệ mình khỏi bị hòa tan. Ở chiến lược này bạn cần chú ý các điểm sau đây :

- Theo dõi sự vận động của đối thủ để có chính sách đối phó với những tác động xấu từ họ.
- Tìm kiếm nhân sự giỏi trong việc hoạch định chiến lược và các hướng đi trong SEO.
- Không ngừng sáng tạo để luôn làm mới mình trở nên khác biệt với đối các đối thủ khác.
- Nghiên cứu sâu về thị trường, về kiến thức SEO, về sự thay đổi của search engine. Nhờ những kiến thức này bạn có thể sáng tạo ra một chiến lược mới hoàn toàn khác chiến lược của đối thủ.
- Trong SEO có hơn 200 yếu tố ảnh hưởng, do đó chiến lược thực hiện cũng rất đa dạng và phong phú. Bạn nên trải nghiệm qua các yếu tố để tìm kiếm ra một chiến lược thích hợp nhất cho mình.

Điểm nổi bật ở phần này giống như câu người ta thường nói “lấy độc trị độc” hay giờ đây là “lấy chiến lược để thắng chiến lược”. Áp dụng mục thứ tám này đòi hỏi người thực hiện phải có hiểu biết rất sâu trong ngành mình đang hoạt động. Mặc dù vậy, vô hình chung chiến lược cạnh tranh chiến lược vẫn đang xảy ra và tồn tại trong hầu hết 7 chiến lược đã đề cập ở phía trên. Có điều là chúng ta không nhận ra chính cái cách mà chúng ta tạo ra các chiến lược khác nhau cũng chính là đặc trưng tiêu biểu của chúng ta.

Tóm tắt vấn đề : Làm SEO là một công việc có sự cạnh tranh cao, do đó chúng ta cần vạch ra chiến lược rõ ràng. Một chiến lược tốt là một chiến lược mang lại cho ta nhiều thành công trong việc thực hiện các mục tiêu. Ai thắng ai thua trong việc cạnh tranh về thứ hạng từ khóa không còn quan trọng nữa. Vì SEO là một vấn đề rộng lớn, do đó ta cần có những cách quan sát rộng hơn. Thành công của chiến dịch SEO chỉ đến khi bạn có các mục tiêu rõ ràng và bạn biết cách xác định những thế mạnh của bạn là gì. Để kết thúc bài viết này, giaiphaplienket.com xin mượn lời của nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới - Michael E. Porter : Hãy luôn nhớ “đừng bao giờ là số một” , mà hãy luôn là “độc nhất vô nhị”.
Nguồn : giaiphaplienket.com

No comments:

Post a Comment

Popular Posts