Hacker, “gánh nặng” với Zynga, những cuộc chiến bản quyền… là những thách thức lớn đang ngày một hiển hiện khi Facebook chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
CEO Facebook sắp trải qua thử thách với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. |
Mối thâm giao giữa Facebook và công ty sản xuất game Zynga dường như đang trở thành thách thức lớn cho Facebook. Năm 2011, Zynga đã đóng góp 12% vào tổng doanh thu của Facebook, trong khi Facebook vẫn tiến hành cắt giảm 30% các vụ mua bán, trao đổi hàng hóa ảo của những người chơi game Zynga.
Liên minh Facebook-Zynga sẽ ngày càng mật thiết khi mà Zynga tiếp tục đóng góp vào doanh thu của Facebook không dưới 10% mỗi năm, ít nhất là từ nay đến hết năm 2015 – theo một thỏa thuận giữa 2 bên - và thực tế là tỉ lệ này ngày càng cao sau mỗi năm.
Trong hồ sơ đăng ký phát hành IPO vừa được Facebook đệ trình Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ, có đến 24 lần cái tên Zynga được nhắc đến. Rõ ràng là CEO Mark Zuckerberg muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với ông chủ Zynga - Mark Pincus. Bởi Zynga có thể phát hành games trên các nền tảng khác, hay có thể xóa bỏ các game đã có ra khỏi Facebook. Và bất kỳ một rạn nứt nào trong mối quan hệ Facebook-Zynga có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của Facebook.
Tất nhiên, vào thời điểm này, Facebook đang là mạng xã hội số 1 và không có lí do gì mà Zynga hay tất cả các hãng sản xuất ứng dụng khác lại không muốn có mặt ở Facebook. Tuy nhiên, không thể đảm bảo chắc chắn rằng Zynga có thể tự duy trì được sự tăng trưởng của họ và điều này có thể sẽ làm chậm một phần bước tiến của Facebook.
Mối nguy hacker
Facebook là một mục tiêu lớn. Facebook nhận thức rất rõ điều này: các phần mềm giả mạo máy tính, virus, các cuộc tấn công đang phát triển ngày càng nhiều hơn. Facebook từng là mục tiêu tấn công trong quá khứ và tương lai điều này có thể tái diễn.
Spam và các lỗi kỹ thuật chỉ là một phần, còn lại là vấn đề an toàn bảo mật. Vào cuối tuần vừa qua, Facebook phải đối phó với nhóm hacker Anonymous, mặc dù vụ tấn công chưa đe dọa nghiêm trọng đến mạng xã hội này. Nhưng khó có thể đếm được hết số trường hợp người dùng bị trộm các thông tin khai báo trên Facebook (Xem thêm: 170 triệu tài khoản Facebook bị "phơi" trên Bit Torrent).
Thêm vào đó, Facebook còn nằm trong danh sách những dịch vụ bị cấm và ngăn chặn ở một số quốc gia. Hiện mạng xã hội này đang bị chặn một phần hoặc hoàn toàn tại Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, và Syria.
Tranh chấp bản quyền
Kiện tụng bản quyền luôn là vấn đề đau đầu. Các tranh chấp này đang trở thành một hoạt động phổ biến mà rất nhiều công ty sử dụng nhằm “gỡ gạc” lại phần nào doanh thu, hay để “ném đá” về phía đối thủ.
Facebook không phải ngoại lệ. Facebook thừa nhận rằng, việc tranh chấp kiện tụng về bản quyền sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác rất tốn kém và mất thời gian; và nếu giải quyết được những tranh chấp này, điều đó sẽ tác động không nhỏ đến điều kiện tài chính và các kết quả kinh doanh của họ.
Tính đến thời điểm cuối năm 2011, Facebook đã nắm giữ khoảng 56 bằng sáng chế được cấp phép và gửi đi đăng ký khoảng 503 bản quyền phần mềm khác tại Mỹ. Ngoài Mỹ, họ cũng thu được khoảng 33 bản cấp phép và hơn 149 bản quyền khác có liên quan đến các lĩnh vực mạng xã hội.
No comments:
Post a Comment