Là một con người khá kín đáo trong cuộc sống riêng tư, nhưng vẫn có những câu chuyện thú vị và khá bất ngờ xung quanh cuộc đời Steve Jobs mà khi được kể ra, càng khiến nhiều người cảm thấy thần tượng và cảm phục ông hơn.
Thần tượng của Steve Jobs là ai?
Với tài năng của mình, Steve Jobs là thần tượng của không ít người hiện nay. Tuy nhiên, cũng như một người bình thường khác, Steve Jobs cũng có một thần tượng của riêng mình, và đó là Edwin Land, nhà đồng sáng lập tập đoàn công nghệ của Polaroid (sinh 1909, mất 1991), hãng công nghệ nổi tiếng với các sản phẩm quang học như máy ảnh, máy in…
Steve Jobs rất thần tượng Edwin Land và đã chịu nhiều ảnh hưởng từ tư duy của ông. Một điều khá thú vị là giữa Jobs và Land cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nhau.
Cũng như Jobs, Land đã bỏ học tại trường đại học. Cũng như Jobs, Land luôn ám ảnh bởi kiểu dáng và chức năng trên mỗi sản phẩm mình tạo ra. Và cũng như Jobs, Land luôn chế giễu ý tưởng “nghiên cứu thị trường”, và luôn tin rằng “phải mang đến cho khách hàng những gì họ muốn, thay vì phải hỏi họ” như Jobs đã nói.
Edwin Land, thần tượng và người có nhiều ảnh hưởng đến tư duy của Steve Jobs
Không chỉ vậy, giữa Steve Jobs và Edwin Land có nhiều điểm tương đồng khác nhau: cả 2 cùng xây dựng nên một công ty mà họ đặt trọn tình yêu vào đó, và luôn là người đứng ra để có những bài diễn thuyết giới thiệu sản phẩm mới của công ty. Land định hướng để Polaroid sản xuất những sản phẩm dành đắt tiền nhưng có giá trị sử dụng cao dành cho khách hàng (tương tự như Jobs đã làm với Apple).
Và một điều trùng hợp khá thú vị khác là cả Jobs và Land đều bị buộc phải rời khỏi công ty mà mình đã gầy công xây dựng, rồi phải chứng kiến chính công ty đó “chìm đắm” trong thất bại. Tuy nhiên, khác với Jobs, Land đã mất trước khi có thể quay trở lại để “chèo lái” Polaroid ra khỏi những thất bại ê chề và mất dần thị phần trên thị trường máy ảnh vào tay các đối thủ khác.
Nhận xét về thần tượng của mình, Jobs đã nói: “Ông ấy là một kho báu của quốc gia. Tôi không hiểu tại sao một con người như vậy lại không thể trở thành thành một hình tượng.”
Steve Jobs muốn “tiêu diệt” Android và gọi Google là "kẻ cắp"
Thật không quá bất ngờ khi Steve Jobs không phải là một “fan hâm mộ” hệ điều hành Android của Google, tuy nhiên “căm ghét” đến mức muốn tiêu diệt nền tảng này thì khó ai ngờ tới.
Theo tiết lộ của Walter Isaacson, nhà văn được Steve Jobs tin tưởng để viết lại cuốn tự truyện về cuộc đời mình, thì vào đầu năm 2010, khi HTC bắt tay Google ra mắt HTC Nexus, chiếc điện thoại sử dụng Android mang thương hiệu Google đầu tiên, Jobs đã bày tỏ sự tức giận hiếm thấy của mình khi nhận ra Android đã sao chép khá nhiều tính năng của iPhone.
Jobs chỉ trích Android và Google là “những kẻ cắp”
“Tôi sẽ sử dụng đến hơi thở cuối cùng của mình nếu cần, và sẽ dùng đến xu cuối cùng trong số 40 triệu USD của Apple để làm rõ điều sai trái này” - Jobs nói với Isaacson - “Tôi sẽ tiêu diệt Android, bởi vì đó là một sản phẩm ăn cắp. Tôi sẵn sàng để tạo nên chiến tranh vì điều này”.
Chính điều này cũng là nguyên nhân gây nên mối quan hệ xấu giữa Steve Jobs và Eric Schmidt, cựu CEO của Google trong thời gian đó. Từ 2006 đến 2009, ngoài chức vụ CEO của Apple, Schmidt cũng là một thành viên trong ban lãnh đạo của Apple. Tuy nhiên, sau đó Schmidt đã rời bỏ chức vụ tại Apple sau khi có những cạnh tranh ngày càng tăng cao giữa Apple và Google trên thị trường di động.
Thậm chí, Isaacson cho biết trong những lần phỏng vấn với Jobs để viết cuốn tự truyện, Jobs đã gọi Google là “một kẻ ăn cắp trắng trợn”.
Điều này cũng có thể giải thích được phần nào lý do Apple ngày càng đẩy mạnh những “cuộc chiến pháp lý” chống lại các sản phẩm sử dụng Android của Samsung và HTC.
Steve Jobs vẫn làm việc trong ngày cuối đời mình
Cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Jobs vẫn làm việc tại Apple và vẫn nghĩ đến những sản phẩm trong tương lai của của hãng. Thông tin này được tiết lộ bởi Masayoshi Son, CEO của SoftBank Capital, tập đoàn chịu trách nhiệm phân phối iPhone tại Nhật Bản.
“Tôi tới trụ sở chính của Apple để chuẩn bị cho sự kiện giới thiệu iPhone 4S. Khi tôi gặp Tim Cook, anh ấy đã phải xin lỗi vì không thể tham dự buổi họp của chúng tôi. Khi được hỏi anh ấy sẽ đi đâu, Cook nói: “Ông chủ đang gọi tôi”. Đó là ngày chuẩn bị giới thiệu iPhone 4S, và Cook cho biết Jobs đã gọi mình vì ông ấy muốn bàn về sản phẩm tiếp theo của Apple. Rồi ngày hôm sau, ông ấy đã mất” - Son chia sẻ.
Ý chí của Steve Jobs khiến nhiều người ngưỡng mộ
Masayoshi Son còn tin rằng Steve Jobs đã mãn nguyện khi có thể chứng kiến sự ra mắt của iPhone 4S trước khi “nhắm mắt”.
“Ngay cả ngày trước khi mất, chủ đề được Jobs quan tâm nhất vẫn là sản phẩm tiếp theo của Apple. Đây thực sự là một tinh thần đáng ngưỡng mộ của một doanh nhân thực sự. Chắc hẳn rằng, lúc đó ông ấy đã rất yêu, nhưng với việc Apple chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới nhất đã tiếp thêm sức mạnh, Jobs đã có thể chứng kiến sự kiện này trước khi ra đi thực sự. Có thể, ông ấy đã mất sớm hơn, nhưng niềm đam mê, tình yêu với công ty mình đang sở hữu đã giúp Jobs có thêm sinh lực để chứng kiến sự kiện trọng đại này” - Son bày tỏ sự kính trọng của mình với Steve Jobs.
Jobs đã bỏ buổi gặp mặt vì công việc để trải qua buổi hẹn đầu tiên với vợ mình
Được biết đến như một người có nguyên tắc trong công việc, tuy nhiên, như một người bình thường khác, Jobs cũng yêu và đã chấp nhận gác công việc sang một bên cho buổi hẹn đầu tiên với Laurene, vợ của Jobs hiện tại.
Đằng sau sự thành công quyết đoán của Jobs luôn có bóng dáng người vợ của mình
Theo đó, Jobs và Laurene gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1990, khi Jobs có bài phát biểu tại trường đại học Stanford. Sau khi gặp Laurene, họ đã trao đổi số điện thoại với nhau, và Jobs có một buôi ăn tối với đối tác vào tối đó.
“Tôi đứng trong bãi đậu xe, cầm chìa khóa xe trong tay và tự nghĩ, nếu đây là đêm cuối cùng của tôi trên trái đất này, tôi nên dùng nó để trải qua một buổi gặp mặt vì công việc, hay cùng với người phụ nữ này? Cuối cùng, tôi đã băng qua bãi đậu xe, chạy đến và hỏi cô ấy có thể ăn tối cùng tôi hay không. Cô ấy đồng ý, và đó là buổi hẹn hò đầu tiên giữa chúng tôi” - Jobs chia sẻ.
Phạm Thế Quang Huy
(dân trí)
No comments:
Post a Comment